Giải pháp sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện trong xây dựng công trình xanh

Giải pháp sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện trong xây dựng công trình xanh

Giải pháp sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện trong xây dựng công trình xanh

Hotline:0236.628.4455

Tham khảo thêm:

Hợp quy vật liệu xây dựng - Vitest

Theo ông Lê Văn Tới, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (VLXDVN), nguyên Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, VLXD thân thiện là một trong những yếu tố bắt buộc để hoàn thiện các công trình xanh đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và trong nước. “Không có vật liệu thân thiện thì không thể có công trình xanh” – ông Tới nhấn mạnh.
Khoản 5, Điều 3, Nghị định 24a/2016/NĐ-CP ngày 5/4/2015 về quản lý vật liệu xây dựng quy định: VLXD tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường bao gồm VLXKN, VLXD được sản xuất từ việc sử dụng chất thải làm nguyên liệu hoặc nhiên liệu, VLXD có tính năng tiết kiệm năng lượng vượt trội so với vật liệu cùng chủng loại.


Từng bước dùng gạch không nung trong xây dựng vừa thân thiện môi trường vừa hiệu quả cho công trình 
So sánh với VLXD cũ, VLXD thân thiện có ưu điểm: mang lại hiệu quả cao hơn cho ngôi nhà, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng sống tốt hơn cho người sử dụng; trong quá trình sản xuất giảm thiểu sử dụng năng lượng, sử dụng tài nguyên khoáng sản; trong quá trình sản xuất giảm thiểu chất thải, ô nhiễm và hủy hoại môi trường; trong quá trình sản xuất tham gia tích cực vào việc xử lý chất thải của ngành sản xuất khác.

Chủ trương, chính sách đã có…

Ở Việt Nam, Nhà nước đã có chủ trương, chính sách về nội dung này và đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích phát triển VLXD thân thiện. Luật Xây dựng ban hành năm 2014, Điều 110 yêu cầu sử dụng VLXD  đã quy định: an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, thân thiện môi trường. Hay Nghị định 24a/2016/NĐ- CP ngày 5/4/2015 về quản lý VLXD đã đưa ra khái niệm và quy định VLXD tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Nghị định còn dành hẳn một chương (chương 5) là chính sách phát triển VLXD tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Ngoài ra, còn phải kể đến một loạt các văn bản khác như: Quyết định số 567 ngày 28/4/2010 ban hành Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020; Chỉ thị số 10 ngày 16/4/2012 về tăng cường sử dụng VLXKN, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung; Quyết định 1696 ngày 23/9/2014 về một số giải pháp xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy phân bón hóa chất để làm nguyên liệu sản xuất VLXD; Quyết định 452/QĐ- TTg ngày 12/4/2017 Phê duyệt đề án đẩy mạnh xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón làm nguyên liệu sản xuất VLXD và trong các công trình xây dựng.

Chính phủ cũng ban hành Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung (VLXKN) đến năm 2020, trong đó đặt ra, mục tiêu phát triển sản xuất và sử dụng VLXDKN thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ: 20-25% vào năm 2015, 30-40% vào năm 2020. Nhưng theo thống kê của Bộ Xây dựng, từ năm 2015, cả nước đã đầu tư trên 2 ngàn dây chuyền sản xuất gạch block bê tông (gạch xi măng cốt liệu), trong đó gần 150 dây chuyền khoảng trên 10 triệu viên/năm và 13 dây chuyền gạch bê tông khí chưng áp. Chỉ tích 3 loại VLXKN cơ bản là block bê tông, AAC và bê tông bọt, cả nước đa có tổng công suất là 6,5 tỷ viên QTC. Công suất đó có thể nói đã gần đạt chỉ tiêu của năm 2020…

Về tiêu thụ VLXKN, nếu tính bình quân cả nước và các loại VLXKN nói chung thì con số sử dụng năm 2015 là 4,98 tỷ viên QTC trên tổng số 23 tỷ viên VLX được sử dụng, đạt 21%. Như vậy chỉ tiêu thứ nhất của Chương trình 567 là tỷ lệ sử dụng bình quân trong cả nước đã đạt (Chương trình đề ra là trên 20%);

Tỷ lệ gạch nhẹ đang ở tỷ lệ thấp, chỉ mới khoảng gần 10% trên tổng số VLXKN, mà mục tiêu đề ra là trên 20%. Đây là chỉ tiêu quan trọng thứ hai trong Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 của thủ tướng Chính phủ. Nhưng là tiêu chí quan trọng, nhằm khuyến khích tạo ra công trình xanh. Ngoài tính năng vượt trội khác như nhẹ, dễ xây, tạo tính công nghiệp hóa cao trong sản xuất và sử dụng…VLXKN loại nhẹ có độ cách âm lớn, độ truyền nhiệt rất thấp. Hai tiêu chí này khiến cho người sống trong tòa nhà được khỏe khoắn và thoải mái hơn. Đặc biệt độ truyền nhiệt thấp của gạch bê tông khí chưng áp giúp tòa nhà có thể tiết kiệm tới 40% năng lượng để sưởi nóng vào mùa đông và làm mát vào mùa hè. Những người đã sống trong căn hộ được xây bởi gạch bê tông khí chưng áp thì cảm nhận rất rõ điều này.

Năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, lượng VLXKN được đưa vào sử dụng cũng đã được tăng thêm so với năm 2015. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một thực trạng là tỷ lệ sử dụng VLXKN loại nhẹ vẫn còn thấp so với chỉ tiêu đề ra.

Thực tế, ngày càng có nhiều khối nhà cao tầng sử dụng kính tiết kiệm năng lượng. Đơn cử như dây chuyền sản xuất kính phủ Low-e của Viglacera  đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 7 năm 2016 với công suất 2.300.000m2/năm.

Nhưng thực tế triển khai vẫn còn cản trở, vướng mắc


                          Ngày càng nhiều nhà cao tầng sử dụng kính tiết kiệm năng lượng 

Ông Lê Văn Tới, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (VLXDVN) cho rằng, có 3 cản trở chính gây khó khăn trong việc sử dụng VLXD thân thiện.

Thứ nhất, là thói quen. Chính thói quen khiến cho việc thay thế cái cũ bằng cái mới thì bao giờ cũng khó khăn. Đơn cử như, khi sử dụng kính tiết kiệm năng lượng, kết cấu của khung nhôm phải khác thì hệ cửa sổ, hệ vách mới đảm bảo hiệu quả cản nhiệt, đòi hỏi chi phí phải tăng lên… Hay nếu sử dụng gạch đất sét nung thì không có gì khó khăn từ khâu sản xuất gạch, người thiết kế, thợ xây, tâm lý người sử dụng công trình… nhưng khi phải chuyển đổi sang VLXKN, đặc biệt là loại nhẹ thì có nghĩa là phải có một sự đồng bộ mới. Trong khi sự đồng bộ mới đang cần tích cực để hoàn thiện, thì sự đồng bộ cũ vẫn níu kéo mọi lực lượng quay trở về với gạch đất sét nung. 

Thứ hai, là lợi ích, lợi ích của việc sản xuất, sử dụng vật liệu cũ sẽ bị động chạm khi bị vật liệu mới thay thế.

Thứ ba, là sự thờ ơ đối với mục tiêu chung; mục tiêu tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường không mang lại lợi ích ngay cho cá nhân hoặc tổ chức cụ thể, trong đó có các chủ thể xây dựng.

Cùng với 3 cản trở trên là 4 vướng mắc gây chậm trễ trong thực hiện bao gồm:

Một là, vướng mắc do thiếu một số hướng dẫn trong cơ chế chính sách: Nhiều quy định tưởng chừng rất cụ thể, nhưng khi áp dụng nhiều địa phương không thực hiện được, ví dụ như vay vốn ưu đãi đầu tư.

Hai là, vướng mắc do thiếu vắng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật cần thiết: Một số tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật cần thiết vẫn chưa được ban hành, hoặc chưa được điều chỉnh kịp thời.

Ba là, vướng mắc do chưa tuân thủ kỹ thuật trong thiết kế và thi công công trình: Các vết nứt, khuyết tật tại những mảng tường khi sử dụng VLXKN trong thời gian vừa qua cho thấy người thi công đã không thực hiện đúng kỹ thuật trong sử dụng VLXKN; Nhiều công trình thiết kế sử dụng gạch bê tong khí chưng áp, nhưng người thiết kế không chỉ rõ cần phải gia cường những điểm xung yếu, hoặc sử dụng lưới sợi tại những điểm cần thiết, trong khi kỹ thuật thi công cũng chưa có am hiểu thấu đáo về loại VL này. Tại công trường sử dụng gạch bê tông khí chưng áp (AAC), người thợ xây vẫn sử dụng các dụng cụ như xây gạch đất sét nung hay gạch xi măng cốt liệu…

Bốn là, vướng mắc do thiếu đôn đốc trong quản lý: Chưa khen thưởng kịp thời những địa phương, tổ chức cá nhân thực hiện tốt; chưa có sự phê bình, nhắc nhở đối với những địa phương chậm trễ trong việc thực hiện chính sách phát triển VLXD tiết kiệm năng lượng, thân thiên môi trường. Công tác thanh tra kiểm tra, xử phạt chưa phát huy tác dụng.

Giải pháp thúc đẩy sử dụng VLXD thân thiện

Cũng theo ông Lê Văn Tới, để thúc đẩy việc sử dụng VLXD thân thiện trong công trình xanh của nước ta cần chú ý tới các giải pháp cụ thể:

Giải pháp về cơ chế chính sách, các Bộ, ngành liên quan cần bổ sung các hướng dẫn cần thiết về hỗ trợ và ưu đãi đầu tư mà Nghị định 24a đã quy định; cần điều chỉnh một số điểm trong Thông tư 09 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng.

Giải pháp về khung kỹ thuật, các cơ quan chức năng cần ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản phẩm, đến việc sử dụng VLXD thân thiên. Đặc biệt, đối với công trình “xanh” cần đưa ra các tiêu chí và thông số đặc thù cụ thể.

Giải pháp về đào tạo, phải có chương trình giảng dạy tại các trường chuyên ngành xây dựng về thiết kế, thi công sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện; Cần có sự cập nhật, cải tiến trong biên soạn giáo trình. Khuyến khích, hỗ trợ các trường, các trung tâm dạy nghề mở các khóa đào tạo ngắn hạn kỹ thuật cho công nhân sử dụng VLXKN.

Giải pháp về công nghệ, cần bổ sung chính sách để khuyến khích sử dụng công nghệ thi công tiên tiến, nhằm tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động trong sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện.

Cuối cùng là công tác tuyên truyền. Để lướt được qua 3 cản trở, khắc phục được 4 vướng mắc như đã nêu ở trên thì công tác tuyên truyền cần làm thường xuyên, mạnh mẽ và bài bản, trong đó, có sự chủ động và tham gia của Hội đồng ngôi nhà xanh việt Nam./.

Nguồn:

https://dangcongsan.vn/kinh-te-va-hoi-nhap/giai-phap-su-dung-vat-lieu-xay-dung-than-thien-trong-xay-dung-cong-trinh-xanh-455363.html

Chia sẻ:
Đà Nẵng
HCM