Chiều ngày 27/6/2025, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 6. Tại buổi họp báo, TS. Hà Minh Hiệp – Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia đã báo cáo về những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

6 điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật
Trước tiên, chia sẻ về những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (TC&QCKT), TS. Hà Minh Hiệp cho biết, ngày 14 tháng 6 năm 2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Luật TC&QCKT được xây dựng trên cơ sở thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, Luật đã nội luật hóa đầy đủ các cam kết quốc tế trong Hiệp định TBT/WTO và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đồng thời kế thừa thành quả của Luật TC&QCKT năm 2006, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn phát triển hiện nay.
Thứ nhất, lần đầu tiên chúng ta luật hóa Chiến lược tiêu chuẩn quốc gia như một công cụ hoạch định dài hạn, định hướng xây dựng hệ thống tiêu chuẩn hiện đại, hài hòa quốc tế, thúc đẩy phát triển Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI), đồng thời xác lập địa vị pháp lý của Cơ quan Tiêu chuẩn quốc gia nhằm nâng cao năng lực điều phối và hội nhập quốc tế (Điều 8a);
Thứ hai, lần đầu tiên chúng ta thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng để phục vụ quản lý số, tăng hiệu quả hậu kiểm, giảm chi phí tuân thủ và thủ tục hành chính cho doanh nghiệp (Điều 8c, 45, 48);
Thứ ba, chúng ta sẽ cải cách quy trình xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng rút ngắn thời gian, tăng tính minh bạch, thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp, hiệp hội; khuyến khích nhanh chóng áp dụng tiêu chuẩn quốc tế đối với công nghệ cao, công nghệ mới (Điều 10a, 17, 32, 44);
Thứ tư, ông Hiệp nhấn mạnh đây là nội dung rất quan trọng, đó là quy định nguyên tắc “một sản phẩm – một quy chuẩn” trên toàn quốc để chấm dứt tình trạng chồng chéo, phân tán trong quản lý; đồng thời mở rộng quyền xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cho doanh nghiệp, hiệp hội nhằm thúc đẩy xã hội hóa hoạt động tiêu chuẩn hóa (Điều 11a, 26a, 44);
Thứ năm là đơn giản hóa công bố hợp quy, chuyển sang hình thức báo trực tuyến qua Cơ sở dữ liệu quốc gia; miễn công bố hợp quy với sản phẩm đã được kiểm soát chất lượng đầy đủ theo luật chuyên ngành – giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí (Điều 45, 46, 48);
Thứ sáu, bổ sung cơ chế thừa nhận đơn phương kết quả đánh giá sự phù hợp quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao khi trong nước chưa đủ năng lực thử nghiệm – như 5G, IoT, chip bán dẫn… (Điều 57).
3 nhóm nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Tiếp theo, báo cáo về các nội dung mới quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, TS. Hà Minh Hiệp thông tin, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV ngày 18/6/2025, thể chế hóa kịp thời chủ trương lớn tại các Nghị quyết 57-NQ/TW, 59-NQ/TW, 66-NQ/TW và 68-NQ/TW, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập và chuyển đổi số.
Ông Hiệp nhấn mạnh vào 3 điểm mới, đây cũng chính là 3 điểm nhằm thay đổi căn bản phương thức quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Thứ nhất, Luật thể hiện bước chuyển căn bản từ quản lý hành chính sang quản lý rủi ro: Quản lý theo rủi ro, tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm. Luật chuyển đổi từ cách phân nhóm hành chính sang phương pháp phân loại sản phẩm theo rủi ro thấp – trung bình – cao (Điều 5), dựa trên tiêu chí ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường, khả năng kiểm soát chuỗi cung ứng và cảnh báo quốc tế.
“Trước đây chúng ta quản lý chất lượng theo cơ chế hành chính, nghĩa là chia thành 2 nhóm (nhóm 1 và nhóm 2), nhóm 2 là nhóm mất an toàn và chúng ta phải quản lý, có khoảng 800 – 900 sản phẩm. Còn hiện tại, chúng ta phân loại rủi ro và tập trung vào quản lý rủi ro. Nhóm hàng nhóm hàng rủi ro cao chỉ có khoảng trên dưới 100 sản phẩm.
Đối với hàng rủi ro cao sẽ được quản lý bởi tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định, kiểm soát bằng công nghệ và được truy xuất nguồn gốc. Hàng rủi ro trung bình có thể là doanh nghiệp tự công bố, doanh nghiệp tự đánh giá hoặc do tổ chức chứng nhận được công nhận đánh giá. Còn đối với hàng rủi ro thấp thì đơn vị tự công bố”, ông Hà Minh Hiệp nói.
Điểm mới thứ hai là chúng ta chuyển từ phương thức tiền kiểm sang phương thức hậu kiểm dựa trên dữ liệu và công nghệ: Thiết lập hạ tầng quản lý chất lượng hiện đại, số hóa và kết nối. Lần đầu tiên, Luật quy định đầy đủ về Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) với 5 thành tố cốt lõi: tiêu chuẩn – đo lường – đánh giá sự phù hợp – công nhận – giám sát thị trường (Điều 6b).
Có thể hình dung như sau: Đối với một sản phẩm hàng hóa, nhờ quy định về NQI, chúng ta sẽ biết được hàng hóa đạt tiêu chuẩn gì, được thử nghiệm ở đâu, đo lường thế nào, được chứng nhận ở đâu. Và điều này chỉ có thể làm được khi chúng ta ứng dụng công nghệ số, ứng dụng AI và chúng ta số hóa dữ liệu lớn của hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Điểm mới thứ ba chính là chúng ta chuyển từ cơ chế khuyến khích sang cơ chế ràng buộc trách nhiệm, minh bạch và có chế tài xử lý nghiêm. Điều này được thể hiện ở 2 vấn đề: Đầu tiên là chúng ta tăng quyền giám sát cho các tổ chức xã hội. Các tổ chức xã hội, nghề nghiệp không chỉ được giám sát chính sách, hỗ trợ các hoạt động tăng cường phản ánh, tra cứu thông tin. Đồng thời, các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng còn được phép thử nghiệm, khảo sát và cảnh báo chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Vấn đề thứ 2 là chúng ta sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn và hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn. Cụ thể, chúng ta bổ sung quy định quản lý chất lượng hàng hóa trên nền tảng số, gồm trách nhiệm người bán và chủ sàn trong công khai, tiếp nhận khiếu nại, xử lý vi phạm (Điều 34b); Mở rộng danh mục hành vi vi phạm nghiêm cấm như quảng cáo sai, kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc không phù hợp tiêu chuẩn/quy chuẩn (Điều 8); Doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ về áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, thử nghiệm, đào tạo, tài trợ và nâng cao năng lực cạnh tranh (Điều 6c).
Theo VietQ
- Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (25.06.2025)
- Danh sách phòng kiểm nghiệm, xét nghiệm Cadimi, Vàng O trong sầu riêng (20.06.2025)
- Danh mục 28 Nghị định về phân quyền, phân cấp; phân định thẩm quyền giữa Chính phủ và chính quyền địa phương 2 cấp (13.06.2025)
- Nghệ An công bố 23 thủ tục hành chính lĩnh vực nông nghiệp và môi trường (11.06.2025)
- Sở hữu trí tuệ phải biến kết quả nghiên cứu thành tài sản (19.05.2025)
- Nhật Bản hỗ trợ Đồng Tháp phát triển nông nghiệp hữu cơ theo hướng bền vững (19.05.2025)
- 100.000 đồng/kg vải u trứng trắng Thanh Hà (17.05.2025)
- ‘Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là sứ mệnh quốc gia’ (16.05.2025)
- Quy định danh mục các chỉ tiêu dinh dưỡng bắt buộc công bố trên nhãn thực phẩm bao gói sẵn (08.05.2025)
- Hướng dẫn thực hiện Quy định chống phá rừng (EUDR) của EU (17.10.2024)